Những năm gần đây trầm cảm đang là cụm xuất hiện ngập tràn trên mạng xã hội. Đặc biệt là năm 2019 khi 2 cái chết liên tiếp của 2 ngôi sao lớn của Hàn Quốc là Sulli và Goo Hara đều do trầm cảm gây nên càng khiến người ta có cái nhìn khác hơn về căn bệnh tâm lý này. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ trầm cảm là gì, dấu hiệu, nguyên nhân, các mức độ bệnh cũng như cách chữa trị của căn bệnh này.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm hay còn được gọi là rối loạn trầm cảm chính là một bệnh thường gặp trong tâm thần học. Căn bệnh này gây nên những rối loạn của hoạt động não bộ khiến người mắc bệnh có những biến đổi khác thường trong suy nghĩ cũng như hành vi. Trầm cảm xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất lại là trong độ tuổi lao động từ 18 – 45 tuổi, đây là độ tuổi mà con người thường bị áp lực từ nhiều mặt, phụ nữ bị trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp 2 lần. Theo thống kê thì có ít nhất 3% dân số thế giới gặp phải căn bệnh này.
Nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm là gì?
Nguyên nhân trầm cảm thường là do 3 lý do. Thứ nhất là do những biến cố xảy ra trong quá khứ, nếu không thể vượt qua thì lâu ngày sẽ tác động lên tâm lý gây nên trầm cảm. Thông thường những người có tuổi thơ không hạnh phúc hoặc người có tâm lý mỏng, dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh sẽ dễ bị trầm cảm hơn. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên lưu ý, tạo cho trẻ môi trường sống tốt để nuôi dưỡng tâm hồn của các bé, tạo tiền đề cho một tâm lý vững vàng sau này.
Nguyên nhân trầm cảm thứ hai là do các tác động phụ của thuốc gây nên trầm cảm. Các loại thuốc này thường là thuốc an thần, các loại thuốc gây nghiện như ma túy, ma túy đá,.. Do đó, khi muốn sử dụng những loại thuốc, bạn nên có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.
Nguyên nhân trầm cảm thứ ba là do yếu tố di truyền. Các bất ổn về hệ thần kinh phần nào đó đã có sẵn trong ADN của một số người khi họ còn đang trong bụng mẹ và chỉ cần một cú shock, những bất ổn đó sẽ thức dậy và đảo lộn cuộc sống vốn đã đủ vất vả của những người này.
Đây cũng là điều lý giải cho việc vì sao cùng trải qua một biến cố mà có người lại có thể dễ dàng vượt qua, có người lại cứ mỗi ngày một chìm sâu trong đó. Chúng ta không nên so sánh bất kì điều gì, đặc biệt là việc vượt qua những áp lực cuộc sống hay rào cản tâm lý, bởi thế giới có 7 tỷ người và có 7 tỷ cá thể hoàn toàn khác nhau. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm là rất khó đoán. Ngay đến cả bác sĩ tâm lý đôi khi cũng không thể phân biệt được việc bệnh nhân bị trầm cảm hay chỉ đang buồn những nỗi buồn thông thường.
Một số đặc điểm để nhận biết trầm cảm bao gồm: tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ hoặc thèm ngủ, thường xuyên kích động hoặc trở nên rất chậm chạp, ù lì, cảm thấy mệt mỏi, không có sức, thường xuyên cảm thấy bản thân mắc lỗi, vô dụng, không thể tập trung, khả năng làm việc giảm sút, không có nhiều hứng thú với những sở thích, đam mê trước khi mắc bệnh, thường có những ý nghĩ tiêu cực, muốn chết và cố gắng tự sát.
Các mức độ của bệnh trầm cảm
Bệnh trầm cảm được xếp thành các mức độ như sau:
Giai đoạn trầm cảm nhẹ
Đây là khoảng thời gian bệnh chớm nở. Người bị trầm cảm thường cảm thấy sức khỏe không tốt, không thoải mái, hay stress, mệt mỏi và buồn bã không rõ nguyên nhân. Giai đoạn này cũng thường bị nhầm với những biểu hiện buồn thông thường nên không được người bệnh hay bác sĩ chú ý.
Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu bất ổn nào về tâm thần, bạn cũng nên đến bệnh viện để nhận được sự tư vấn và điều trị tốt nhất từ bác sĩ chuyên khoa.
Giai đoạn trầm cảm trung bình
Đây là giai đoạn mà bệnh trầm cảm đã biểu hiện rất rõ ràng. Người mắc bệnh sẽ luôn cảm thấy tiêu cực, các hoạt động thường ngày bị đảo lộn, không còn hứng thú hay bất kì nỗ lực gì trong cuộc sống cũng như công việc. Thậm chí họ không thể hoàn thành được những yêu cầu đơn giản trong quá trình làm việc. Trong giai đoạn này thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị giảm trầm cảm.
Giai đoạn trầm cảm nặng
Đây là giai đoạn mà người bị trầm cảm cần phải được điều trị tâm lý để có thể trở về trạng thái bình thường. Biện pháp điều trị mà các bác sĩ tâm lý thường sử dụng là gợi lại những nỗi buồn, những cú shock mà bệnh nhân gặp phải để họ có thể tự mình tháo gỡ và đối mặt. Bên cạnh đó các loại thuốc chống trầm cảm cũng được sử dụng bổ sung.
Giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo những biểu hiện thần kinh khác.
Chúng ta có thể quan sát Sulli và Goo Hara để thấy những biểu hiện của giai đoạn này. Họ thường xuyên live stream khóc lóc hoặc làm những hành động lạ để gây chú ý. Đây là lúc mà người bệnh thường có những ý nghĩ chấm dứt cuộc sống, tìm đến cái chết để giải thoát. Lúc này có thể người bệnh không còn nhận thức được bệnh của bản thân nên rất cần đến sự quan tâm và giúp đỡ đến từ những người xung quanh.
Làm sao để hết trầm cảm?
Phát hiện bệnh trầm cảm khó nhưng việc điều trị còn khó hơn. Vì là một bệnh tâm thần, nguyên tắc điều trị trầm cảm là ngăn chặn được những rối loạn cảm xúc của người bệnh. Muốn vậy thì bác sĩ phải kết hợp giữa điều trị tâm lý lẫn điều trị bằng thuốc. Tư vấn tâm lý là một biện pháp bắt buộc có để tháo gỡ những khúc mắc trong cảm xúc của bệnh nhân. Song song với đó là sử dụng thêm các loại thuốc chống trầm cảm.
Mỗi bệnh nhân sẽ có những giai đoạn bệnh cũng như nguyên nhân bệnh khác nhau. Phác đồ điều trị riêng biệt là vô cùng quan trọng. Muốn giảm trầm cảm thì bệnh nhân phải hoàn toàn tuân thủ phác đồ này cũng như không tự ý kết thúc việc tư vấn tâm lý hay ngưng sử dụng thuốc.
Bài viết đã cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về bệnh trầm cảm, các giai đoạn bệnh cũng như việc điều trị căn bệnh này. Bệnh nhân trầm cảm rất cần có sự quan tâm từ phía gia đình cũng như xã hội bởi tâm lý của họ mỏng manh và dễ tổn thương hơn người bình thường rất nhiều. Hy vọng bài viết có ích đối với bạn.
Chuyên mục:Cảm giác
Cảm ơn bạn đã chia sẽ! Không biết con mình có bị không mình cũng lo quá!